Trung Quốc dần mở cửa trở lại với các sản phẩm công nghiệp giải trí từ Hàn Quốc để kích thích chi tiêu du lịch, dịch vụ lưu trú và thương mại địa phương.
Tiêu dùng đóng góp gần 70% vào tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc vào năm 2018, nhưng tỷ lệ này đã giảm xuống dưới 30% trong những năm gần đây, với mức tăng trưởng chỉ số giá tiêu dùng của nước này dao động gần bằng 0.
Bên cạnh các biện pháp kích cầu tiêu dùng nội địa, Trung Quốc đang huy động công nghiệp giải trí để thu hút giới trẻ tăng chi tiêu. Các công ty tổ chức sự kiện nước này đã nhắm đến K-pop, nơi có những ngôi sao ăn khách hàng đầu thế giới.
Để ứng phó, chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu thúc đẩy các sự kiện văn hóa giải trí bao gồm các buổi hòa nhạc nhạc pop nước ngoài - để kích thích chi tiêu trong du lịch, dịch vụ lưu trú và thương mại địa phương. Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc đã ban hành thông báo kêu gọi thúc đẩy các sự kiện văn hóa, bao gồm các buổi hòa nhạc và lễ hội âm nhạc.
Dream Concert thường niên quy mô lớn - sự kiện K-pop kéo dài lâu nhất tại Hàn Quốc - được cho là đã được lên lịch diễn ra vào ngày 26/9/2025 tại một sân vận động có sức chứa 40.000 chỗ ngồi ở tỉnh Hải Nam.
Trước đó, nhóm nhạc K-pop Epex đã thông báo sẽ biểu diễn tại thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến. Đây là lần đầu tiên một nhóm nhạc thần tượng toàn Hàn Quốc tổ chức buổi hòa nhạc tại Trung Quốc đại lục kể từ năm 2016. Có thể coi đây là “thử nghiệm chính sách” trước khi mở đường cho các hoạt động lớn hơn.
Những diễn biến đó báo hiệu lệnh cấm không chính thức của Trung Quốc đối với các hoạt động K-pop tại đại lục sẽ được nới lỏng, sau khi hai quốc gia này rơi vào căng thẳng ngoại giao năm 2016. Sự thay đổi chính sách này là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn của Trung Quốc nhằm phục hồi nhu cầu trong nước trong bối cảnh tiêu dùng suy thoái kéo dài.
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu album lớn thứ ba của ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc sau Nhật Bản và Hoa Kỳ, và là thị trường âm nhạc lớn thứ hai ở châu Á. Quy mô thị trường hòa nhạc của Trung Quốc đã tăng từ 2,9 tỷ USD vào năm 2019 lên 8 tỷ USD vào năm 2024.
Các nhà phân tích cho biết lập trường mềm mỏng hơn của Trung Quốc đối với K-pop có chiều hướng “hâm nóng” quan hệ ngoại giao, vượt ra ngoài mong muốn tăng cường tiêu dùng trong nước. Trung Quốc có thể tìm cách khôi phục quan hệ với các nước láng giềng, bao gồm cả Hàn Quốc, trong bối cảnh những thách thức kinh tế đang bủa vây.
Ngoại giao văn hóa nổi lên như một điểm khởi đầu quan trọng, dẫn đến việc nới lỏng lệnh cấm không chính thức đối với nội dung của Hàn Quốc và khôi phục lại các nguồn doanh thu cho doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Đồng thời tạo ra cơ hội để tăng cường sự gắn kết văn hóa ở châu Á. Điều này sẽ đặt nền tảng cho sự tăng trưởng có cấu trúc dài hạn trong khu vực.
Việc Trung Quốc nới lỏng hạn chế với K-pop có thể tiếp thêm sinh lực cho ngành công nghiệp giải trí của Hàn Quốc, vốn đang hứa hẹn tăng trưởng vào thời điểm các ngành công nghiệp khác phải đối mặt với các mối đe dọa về thuế quan.
Thu nhập và giá cổ phiếu của bốn công ty lớn nhất của K-pop - được gọi là “Big Four” đã giảm mạnh vào năm 2024. Điều đó xảy ra bất chấp lượng người hâm mộ đông đảo, các buổi hòa nhạc ở nhiều thành phố và hàng tỷ lượt phát trực tuyến trên YouTube trên toàn thế giới.