Nghị quyết số 68-NQ/TW (Nghị quyết 68) của Bộ Chính trị vừa được ban hành có nhiều điểm mới đột phá, gỡ bỏ nhiều rào cản để kinh tế tư nhân phát triển.
Ông Phạm Văn Thể - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh cho biết: Lần đầu tiên trong một Nghị quyết chuyên đề, Bộ Chính trị khẳng định kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Nghị quyết số 68 không chỉ đánh dấu bước tiến lớn trong tư duy phát triển, mà còn mở ra nhiều chính sách, giải pháp cụ thể – được cộng đồng doanh nghiệp cả nước nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng đón nhận với sự phấn khởi, hào hứng nhiều kỳ vọng.
Theo tinh thần của Nghị quyết 68, các mục tiêu đã được lượng hóa và có mốc lộ trình cụ thể. Theo đó, đến năm 2030, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết số 57/2024.
Phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, 20 doanh nghiệp hoạt động/nghìn dân. Có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế tư nhân đạt khoảng 10-12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp khoảng 55-58% GDP, khoảng 35-40% tổng thu ngân sách Nhà nước, giải quyết việc làm cho khoảng 84-85% tổng số lao động; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 8,5-9,5%/năm. Trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN và nhóm 5 nước đứng đầu khu vực châu Á.
Tầm nhìn đến năm 2045, kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, bền vững, chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế; phấn đấu đến năm 2045 có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế; đóng góp khoảng trên 60% GDP.
Ông Lưu Công Thành – Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Quảng Ninh cho biết, một loạt các ưu đãi được triển khai và cắt giảm mạnh các thủ tục hành chính, khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Hỗ trợ đào tạo quản trị, xóa bỏ thuế khoán , miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm đầu đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa
Theo ông Thành: "Điều mà tôi thấy vui nhất là Nghị quyết 68 đã đưa ra được các giải pháp. Nghị quyết 68 xác định rõ nhiệm vụ đối với từng doanh nghiệp xét theo quy mô. Đầu tiên là hình thành và phát triển nhanh các doanh nghiệp lớn và vừa, các tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu. Mở rộng sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân vào các dự án quan trọng quốc gia".
Đối với doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh sẽ có chính sách hỗ trợ thực chất, hiệu quả. Ví dụ như rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý về kinh doanh cá thể; thu hẹp tối đa sự chênh lệch, tạo mọi điều kiện thuận lợi về tổ chức quản trị và chế độ tài chính, kế toán để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp.
Đẩy mạnh số hóa, minh bạch hóa, đơn giản hóa, dễ tuân thủ, dễ thực hiện đối với chế độ kế toán, thuế, bảo hiểm... để khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Xóa bỏ hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh chậm nhất trong năm 2026
Được miễn thuế trong 3 năm đầu. Đây là lần đầu tiên doanh nghiệp vừa và nhỏ được quan tâm, và cũng giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tự tin hơn khi lập nghiệp, không phải lo lắng nhiều về đóng thuế. Tiền đóng thuế, chính là cho doanh nghiệp xây dựng lớn mạnh hơn khi sang năm thứ 4, bước vào bước mới vững chắc hơn và tự tin hơn để phát triển doanh nghiệp của mình.
Không chỉ dừng lại ở tài chính mà Nghị quyết 68 còn có những bước đột phá trong tư duy quản lý mới, thay vì giám sát như trước bây giờ là tạo để doanh nghiệp tự chủ, tự chịu trách nhiệm nâng cao doanh nghiệp nội tại phát triển bền vững.
Ông Phạm Quang Tùng – Giám đốc Công ty TNHH Thanh Tùng chia sẻ: “Từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tôi nghĩ đây là một trong những cái nét rất mới và đặc trưng, tạo sự mạnh dạn rõ ràng đối với doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm trước các quyết sách cũng như các hoạt động của mình, không phải lo sợ hay không cần lăn tăn gì về những vấn đề trước đây là có được đồng ý hay là được chấp thuận việc đó hay không? và bây giờ làm chỉ cần làm theo hiến pháp, theo luật kinh doanh thì các doanh nghiệp cần phải chấp hành hoặc bám vào cái đó để làm nền tảng kim chỉ nam cho mỗi doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực của mình”.
Việc cải cách thể chế tại Nghị quyết 68 được cho là từ gốc rễ của vấn đề, khi cam kết không hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự kinh doanh. Đồng thời giới hạn việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Những đổi mới thể chế này được đánh giá mang tính bước ngoặt, gỡ nút thắt về tâm lý và pháp lý cho doanh nghiệp, giải quyết doanh nghiệp không muốn lớn và không chịu lớn.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: Nghị quyết 68 nói rất rõ và quyết liệt về việc không hình sự hóa quan hệ kinh tế dân sự. Đồng thời với đó là hạn chế yêu cầu phối hợp trong việc thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp. Nghị quyết cũng đưa ra mỗi năm doanh nghiệp chỉ bị thanh tra một lần, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm.
Cải cách quyết liệt, định hướng rõ ràng, cam kết chính trị mạnh mẽ đó là những thông điệp thông suốt của Nghị quyết 68. Tại Quảng Ninh với hơn 12.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Nghị Quyết 68 đang thổi luồng sinh khí mới mở ra kỳ vọng về một giai đoạn phát triển mạnh mẽ hơn, khi các chính sách cụ thể được triển khai trong thời gian tới.