Chứng khoán

Dòng tiền khối ngoại bền bỉ chảy vào cổ phiếu VIC

Hà Phương 08/05/2025 04:42

Cổ phiếu VIC (sàn HOSE) của CTCP Tập đoàn Vingroup tiếp tục tăng mạnh, nhờ dòng tiền khối ngoại và những thông tin công bố về tham vọng của Tập đoàn...

8.jpeg
Chuỗi hệ thống nghĩ dưỡng Vinperland của Tập đoàn chuẩn bị niêm yết trên sàn chứng khoán là động lực giúp tăng giá cổ phiếu VIC

Phiên giao dịch ngày 7/5, cổ phiếu VIC tiếp tục tăng mạnh lên 73.800 đồng/cổ phiếu với khối lượng khớp lệnh lên tới 7 triệu đơn vị; trong đó khối ngoại tiếp tục mua vào. Phiên này khối này mua vào lên tới 2,2 triệu đơn vị. Trong tháng 4/2025 cổ phiếu này tiếp tục được khối ngoại mua ròng liên tục gần 15 triệu đơn vị. Dù thị trường giao dịch đi ngang nhưng dòng tiền khối ngoại vẫn ưu ái cổ phiếu VIC, đẩy giá lên mức cao nhất trong 52 tuần.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, sở dĩ cổ phiếu VIC tăng mạnh đi ngược dòng so với thị trường chung là do kế hoạch 2025 đầy tham vọng với động lực lan tỏa từ nhiều mảng kinh doanh của Tập đoàn, hướng đến mức tăng trưởng 58,7% so với cùng kỳ về doanh thu, đạt 300.000 tỷ đồng, và tăng 89,5% về lợi nhuận sau thuế, lên 10.000 tỷ đồng, nhờ triển vọng tích cực tất cả các mảng kinh doanh chủ chốt .

Cổ phiếu VIC hiện đại diện là tập đoàn tư nhân lớn nhất tại Việt Nam, dẫn đầu cả nước trong nhiều ngành nghề kinh doanh. Công ty con Vinhomes là nhà phát triển bất động sản (BĐS) hàng đầu, trong khi Vinpearl dẫn đầu mảng khách sạn và du lịch. Thông qua công ty liên kết Vincom Retail, Tập đoàn hiện nắm giữ vị thế lớn trong ngành cho thuê sàn bán lẻ. Tập đoàn cũng tiên phong trong lĩnh vực xe điện thông qua VinFast và tích cực đóng góp vào cơ sở hạ tầng xã hội thông qua các khoản đầu tư vào y tế, giáo dục và giao thông công cộng. Bên cạnh đó, VIC đang từng bước tiến vào lĩnh vực năng lượng tái tạo và phát triển cơ sở hạ tầng, củng cố hệ sinh thái và tăng cường sự tích hợp giữa các phân khúc kinh doanh đa dạng của mình.

Báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán Ngân hàng VPBank cho thấy, mảng Bất động sản (và Xây dựng) của Vinhomes -Công ty con của Tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu đạt 180.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 42.000 tỷ đồng cho năm 2025, tương ứng với mức tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ là 75,9% và 19,8%.

Đối với sản xuất ô tô, VinFast nằm trong hệ sinh thái của Tập đoàn đặt mục tiêu giao 200.000 xe điện trên toàn cầu trong năm 2025 – gấp đôi con số 97.399 xe của năm 2024. Mức tăng trưởng này sẽ được hỗ trợ bởi cả thị trường Việt Nam và sự mở rộng sang các thị trường trọng điểm tại châu Á như Indonesia, Philippines và Ấn Độ. Ban Lãnh đạo Công ty cho biết nếu đạt được mục tiêu giao xe, VinFast sẽ nắm khoảng 40% thị phần xe ô tô con tại Việt Nam và có thể đạt điểm hòa vốn ở thị trường nội địa.

Tiếp đó, mảng khách sạn và giải trí đã có lãi gộp trong năm 2024 và dự kiến sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Trong năm 2025, Vinpearl-Công ty con mảng nghỉ dưỡng nằm trong hệ sinh thái dự kiến củng cố vị thế trong nước; mở rộng ra thị trường quốc tế với trọng tâm là Ấn Độ, Trung Đông và Đông Nam Á; phát triển các kênh phân phối trực tuyến và đẩy mạnh mảng MICE (Hội họp, Khen thưởng, Hội nghị và Triển lãm).

Vào đầu tháng 3, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã tiếp nhận hồ sơ đăng ký niêm yết gần 1,8 tỷ cổ phiếu của Vinpearl, tương ứng với vốn điều lệ 17.933 tỷ đồng. Ban lãnh đạo kỳ vọng sẽ nhận được chấp thuận niêm yết và có thể đưa mã VPL giao dịch trên sàn vào tháng 5/2025.

Với việc mở rộng hệ sinh thái với các lĩnh vực hạ tầng giao thông và năng lượng tái tạo, các chuyên gia chứng khoán VPBank cho rằng, việc VICmở rộng sang lĩnh vực hạ tầng giao thông và năng lượng tái tạo không chỉ hỗ trợ tăng trưởng cho các mảng kinh doanh cốt lõi như bất động sản và xe điện, mà còn phù hợp với nhu cầu phát triển cấp bách của Việt Nam trong các lĩnh vực này.

Về hạ tầng giao thông, Tập đoàn đã đề xuất nhiều dự án hạ tầng quy mô lớn, bao gồm tuyến đường sắt Phú Mỹ Hưng – Cần Giờ và tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội – Quảng Ninh. Các dự án này được kỳ vọng sẽ giúp tăng giá trị và khả năng tiếp cận cho các khu đại đô thị Vinhomes Green Paradise 2.870 ha và Apollo City 5.490 ha.

Về năng lượng tái tạo, hiện Tập đoàn đã nộp đề xuất để được đưa vào quy hoạch điện VIII điều chỉnh danh mục dự án năng lượng tái tạo có tổng công suất lên tới 47.500 MW trong giai đoạn 2025-2035. Các dự án bao gồm điện mặt trời, điện gió và nhiệt điện khí LNG. Về cấu trúc vốn cho các khoản đầu tư quy mô lớn này, công ty dự kiến triển khai chiến lược phân bổ linh hoạt, ưu tiên hiệu quả chi phí. Cơ cấu vốn dự kiến gồm 50% thông qua hợp đồng EPC (thiết kế, cung ứng và thi công), 35% vay ngân hàng và 15% từ vốn chủ sở hữu… Các chuyên gia khuyến nghị, nhà đầu tư đã mua cổ phiếu VIC quanh vùng giá 60.000/cp tiếp tục nắm giữ, song hành cùng mục tiêu và tham vọng của Tập đoàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Dòng tiền khối ngoại bền bỉ chảy vào cổ phiếu VIC
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
OSZAR »